start portlet menu bar

Hoạt động của lãnh đạo Bộ;hoatdongcualanhdaobo

Display portlet menu
end portlet menu bar
start portlet menu bar

Hoạt động của lãnh đạo Bộ;hoatdongcualanhdaobo

Display portlet menu
end portlet menu bar
Lễ hội

Pithi Sen Đolta – Lễ cúng ông bà của người Khmer

16/09/2014 11:45
Màu chữ Cỡ chữ

Lễ cúng ông bà theo người Khmer còn được gọi là Pithi Sen Đolta. Thông thường người Khmer dùng hai danh từ để chỉ các đám phước và đám lễ đó là Pithi và Bôn. Pithi là chỉ tất cả các lễ làm theo phong tục từ xa xưa truyền lại, tạm gọi là đám lễ; còn Bôn dùng để chỉ các lễ làm theo phong tục Phật giáo hay bắt nguồn từ đạo Phật, gọi là đám phước, được tổ chức trang trọng đòi hỏi phải đúng theo ba nguyên tắc của nhà Phật là thọ giới, bố thí và tụng niệm. Tuy nhiên, có những lễ vừa mang tính chất truyền thống, vừa có ý nghĩa bắt nguồn từ Phật giáo nên đôi lúc người ta dùng Bôn thay thế cho Pithi. Sen Đolta (cúng ông bà): Sen có nghĩa là cúng được biểu hiện dưới hình thức trang trọng, không thể thiếu trong đời sống tâm linh của con người, còn Đol có nghĩa là bà, Ta nghĩa là ông.

Lễ Phro Chum Binh - tại chùa Settodor thị trấn Cờ Đỏ (Ảnh: Tiệu Vinh)

 

Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã có tục hỏa táng người chết, đưa hài cốt vào tháp ở chùa, không thờ người chết tại nhà, không cúng giỗ. Tuy nhiên, phần lớn người Khmer ở đây, vừa bảo lưu tục hỏa táng, vừa tổ chức cúng giỗ hàng năm gọi là Sen Khuop (cúng quay trở lại) là do tiếp thu văn hóa của người Việt. Ngoài ra, hàng năm họ còn tổ chức lễ Sen Đolta (cúng ông bà) là một trong những lễ truyền thống, gắn liền với tâm linh, tín ngưỡng đã in sâu trong tâm thức của người dân Khmer thể hiện rõ giá trị đạo đức, văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc.

Lễ Sen Đolta cũng là một lễ lớn của người Khmer, có tính chất dân gian, được tổ chức hàng năm vào ngày 29 tháng 8 cho đến ngày 01 tháng 09 âm lịch. Với ý nghĩa nhớ đến công ơn ông bà cha mẹ, tập hợp con cháu trong gia đình, dòng họ để hỏi thăm sức khỏe, biếu quà bánh, quần áo,…cho những người có công ơn còn sống, làm lễ cầu phước cho linh hồn người đã khuất. Bên cạnh đó, còn có một số ý nghĩa như thể hiện tinh thần đoàn kết giữa người trong phum srok, cũng là dịp tổ chức liên hoan, vui chơi, gắn bó bạn bè gần xa để giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Để chuẩn bị cho lễ, mỗi thành viên trong gia đình háo hức cùng nhau chung tay dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên trong và ngoài nhà, trang hoàng bàn thờ, treo cờ phướn, cờ Phật giáo, tạo nên một không gian đầy màu sắc đặc trưng của người Khmer. Tuy công việc có phần bận rộn, nhưng bản thân mỗi gia đình vẫn không quên cử một hoặc hai thành viên trong gia đình đến hỗ trợ nhà chùa làm những công việc chuẩn bị cho ngày lễ, cụ thể là dọn cỏ xung quanh khuôn viên chùa, quét dọn khuôn viên tháp đựng cốt, sơn phết tháp...Đối với người Khmer, hạnh phúc lớn nhất hầu như đã được khẳng định ở cõi Phật vì trong kiếp sống hiện tại tự mỗi người phải tu luyện giải thoát mình để vươn tới hạnh phúc dưới sự hướng dẫn của nhà chùa, cụ thể nhất là góp công, góp của, thực hiện các đám phước do nhà chùa tổ chức ngoài các đám lễ dân gian đã có tự lâu đời…Chính vì vậy, mọi nghi thức quan trọng trong những ngày lễ của người Khmer đều diễn ra tại chùa. Có một vài lễ tổ chức ở phum srok hay tại nhà thì chúng ta vẫn thấy sự xuất hiện của các vị sư sãi. Ví dụ như lễ cầu an, lễ giáp tuổi, lễ cắt tóc trả ơn mụ, kể cả lễ cưới…Đó cũng là một thông lệ, cũng như phong tục của người Khmer.

Trước ngày diễn ra lễ, một số gia đình làm bánh tét (num chrut), bánh gừng (num khnhây), bánh hạt mít (num cop thnô)…, những loại bánh đặc trưng của người Khmer, để mang vào chùa dâng cúng Phật, đặt lên bàn thờ tổ tiên tưởng nhớ công ơn sinh thành, nuôi dạy hướng dẫn việc làm ra của cải vật chất… Bên cạnh đó, họ chuẩn bị nhang, đèn, trà, trái cây, hoa quả, thay đổi bộ mùng, mền, chiếu, gối…

Ngày đầu của lễ theo người Khmer gọi là Sen Svakum (cúng tiếp đón): Đầu tiên, họ dọn một mâm cơm ngon, bới bốn chén cơm, đốt nhang, đèn để cúng người quá cố. Mời người có tuổi trong gia đình làm chủ bái khấn vái mời linh hồn những người trong họ hàng về nhà ăn uống, nghỉ ngơi, nghi thức khấn được lặp đi lặp lại ba lần, mỗi lần như vậy đều rót trà, rượu để khẳng định. Sau đó, gắp thức ăn mỗi thứ một ít để vào chén, đổ trà, rượu vào, rồi mang ra sân đổ ở một góc, cắm một cây nhang khấn mời ma quỷ cùng về ăn cơm, vì ma quỷ đã đưa lối, dẫn đường cho linh hồn ông bà cha mẹ của họ về vui chơi, ăn ở trong những ngày lễ rồi lại đưa về nơi cũ. Theo quan niệm của người Khmer thì những ma quỷ này không dám lên mâm cơm để ăn chung với linh hồn ông bà nên phải cho chúng ăn ở một góc riêng, bên ngoài phạm vi ngôi nhà. Tiếp theo là mừng thọ, thăm hỏi sức khỏe và tặng quà ông bà, cha mẹ còn sống. Sau khi hoàn thành phần nghi thức là đến bữa cơm sum họp gia đình. Đến chiều, họ cúng linh hồn ông bà một lần nữa, tắm rửa chuẩn bị quần áo tươm tất, mời linh hồn ông bà đi cùng họ vào chùa. Dưới mái chùa chung của cả phum srok, mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, nghe sư sãi tụng kinh cầu phước, xóa tội cho linh hồn người thân…sau cùng là vui chơi, múa hát.

Ngày thứ hai: Mọi người phải thức dậy từ rất sớm, để chuẩn bị cơm, nước mang vào chùa làm lễ Phro Chum Binh (có nghĩa là cơm nắm, cơm vắt, dùng để cúng vong linh ông bà, cha mẹ). Tiếp theo là lễ đặt bát nước, cơm nắm, cơm vắt mà họ thường gọi là Róp Bat Banh Chuôl Bai Binh. Cuối cùng, họ dâng mâm hoa quả, cơm canh đến các vị chư tăng, nghe hồi kinh, khấn vái đón linh hồn của ông bà, cha mẹ về nhà và xin ở lại vui cùng con cháu thêm một đêm nữa.

Ngày thứ ba và cũng là ngày cuối của lễ, ngày này theo người Khmer gọi là Sen Chuôl (có nghĩa là cúng đưa). Trong ngày cúng đưa, một số gia đình còn mời ông lục đến nhà tụng kinh để thêm phần long trọng. Họ cũng nấu mâm cơm, thức ăn, chuẩn bị bánh, hoa quả, nhang, đèn như ngày đầu. Khi dọn lên cúng, bới đủ bốn chén cơm, khấn đủ ba lần, gắp đồ ăn để vào chén. Nhưng lần này, người ta cho thức ăn vào thuyền đã chuẩn bị sẵn, thuyền này được làm bằng bẹ chuối hay mo cau, với mục đích để khi trên đường về lại nơi cũ ông bà, cha mẹ có lương thực để dùng, trên thuyền treo cờ phướn hình cá sấu (Tong Krơpơ). Theo quan niệm của người Khmer cờ phướn có thể bảo vệ, che chở cho linh hồn của ông bà an toàn về lại nơi cũ. Trên thuyền họ còn để thêm gói đậu, lúa, muối, bánh trái… mang tính tượng trưng, để các linh hồn có thể ăn được lâu. Sau khi khâu chuẩn bị đã hoàn tất họ cùng nhau đi xuống các con sông, kênh rạch gần nhà để thả. Tổ chức xong có nghĩa là họ cũng đã hoàn thành bổn phận báo ân với tổ tiên của mình trong năm. Sau đó, họ về nhà cùng nhau ăn bữa cơm thân mật, vui chơi đến chiều là kết thúc lễ Đolta.

Lễ Sen Đolta thể hiện được truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mang tính nhân văn, giáo dục đạo đức sâu sắc, đồng thời thể hiện được tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình yêu thương giúp đỡ nhau trong phum srok. Những giá trị tinh thần mà người Khmer gìn giữ, phát huy đã đóng góp tích cực vào việc răn dạy con người một ý thức sống về mặt đạo đức, nhớ ơn sinh thành, nhớ công dưỡng dục. Một xã hội bền vững không chỉ có luật nghiêm minh mà còn đòi hỏi một đạo lý lương tâm mỗi công dân đều có ý thức tự giác thực hiện, không chỉ riêng gì người Khmer./.

Ngọc Dung (Bảo tàng thành phố)

Các tin khác

  • VỀ THỐT NỐT DỰ LỄ HỘI VƯỜN TRÁI CÂY TÂN LỘC 2023 (29/06/2023)
  • Khai mạc Lễ hội Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy năm 2018 (28/05/2018)
  • Lễ hội Kỳ yên Hạ điền Đình Thần Thới Bình năm 2018 (28/05/2018)
  • Thành phố Cần Thơ tham gia ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VII, tại tỉnh Bạc Liêu năm 2017 (20/11/2017)
  • CẦN THƠ: TƯNG BỪNG – LỄ HỘI OK - OM – BOK (14/11/2017)
  • TRUNG TÂM VĂN HÓA THÀNH PHỐ CẦN THƠ PHỤC VỤ NGÀY HỘI DU LỊCH VĂN HÓA CHỢ NỔI CÁI RĂNG LẦN II – NĂM 2017 (10/07/2017)
  • Thư viện TP. Cần Thơ tham gia Hội sách TP. Cần Thơ lần thứ II năm 2017 (05/04/2017)
  • 70 năm ngày truyền thống Ngành Văn hóa “Văn hóa soi đường quốc dân đi” (19/08/2015)
  • LỄ HỘI KỲ YÊN THƯỢNG ĐIỀN ĐÌNH THUẬN HƯNG NĂM 2014 (20/05/2014)
  • LỄ HỘI KỲ YÊN THƯỢNG ĐIỀN ĐÌNH BÌNH THỦY NĂM 2014 (19/05/2014)
  • Trang đầu 12 Trang cuối
start portlet menu bar

Hoạt động của lãnh đạo Bộ;hoatdongcualanhdaobo

Display portlet menu
end portlet menu bar
start portlet menu bar

Hoạt động của lãnh đạo Bộ;hoatdongcualanhdaobo

Display portlet menu
end portlet menu bar
start portlet menu bar

Hoạt động của lãnh đạo Bộ;hoatdongcualanhdaobo

Display portlet menu
end portlet menu bar
start portlet menu bar

Hoạt động của lãnh đạo Bộ;hoatdongcualanhdaobo

Display portlet menu
end portlet menu bar